Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010
Google TV - Kênh truyền hình trực tuyến tại nhà
Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010
Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010
Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009
Nguồn lực là gì ? Động lực là gì?
Trong những năm vừa qua, khi bàn về các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, bao giờ người ta cũng bàn tới hai vấn đề cơ bản là nguồn lực và động lực phát triển. Thế nhưng cho đến nay, về hai vấn đề này cũng còn nhiều điểm, khía cạnh phải bàn thêm cho rõ. Trước hết là, quan niệm thế nào là nguồn lực, làm thế nào huy động được nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực? Thứ hai là, thế nào là động lực, làm thế nào tạo ra được động lực và phát huy được động lực một cách tốt nhất? Để làm rõ những vấn đề nêu trên chúng tôi cho rằng, phải từ việc tìm hiểu những điểm chủ yếu dưới đây và trên tinh thần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa.
Từ nghiên cứu bối cảnh trong nước và quốc tế nhìn nhận lại vấn đề nguồn lực và động lực phát triển kinh tế ở nước ta
Đây là vấn đề quan trọng phải làm trước tiên để xác lập quan niệm mới về nguồn lực và động lực phát triển kinh tế.
Từ bối cảnh quốc tế đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy về nguồn lực và động lực phát triển kinh tế
Nhìn chung, thế giới đang bước vào thời kỳ khó khăn. Điều đó thể hiện ở những mặt chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tình trạng cạn kiệt tài nguyên và khan hiếm nguồn lực đang đặt loài người vào thế phải tìm cách thoát ra và bứt lên. Sự thiếu hụt các nguồn năng lượng đã làm thế giới chao đảo bởi những cơn tăng giá phi mã đối với giá dầu mỏ, khí đốt; gây nên tình trạng tăng vọt giá đầu vào trên khắp hành tinh. Có chiến lược gia đã dự báo rằng, nếu dân số thế giới tăng khoảng 2%/năm, GDP thế giới tăng khoảng 6%/năm và với công nghệ hiện nay thì hành tinh chúng ta sẽ bị cạn kiệt hoàn toàn tài nguyên vào khoảng sau 20 năm nữa. Dù cảnh báo này chính xác đến đâu thì cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại phải có cách nhìn mới về vấn đề phát triển, mà gắn liền với nó là cái nhìn mới về nguồn lực và động lực phát triển kinh tế.
Thứ hai, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra khắp nơi trên trái đất; hàng vạn ha đất canh tác bị hạn hán đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc canh tác của nông dân. Trong mấy tháng vừa qua, tình trạng thiếu lương thực đã làm cho nhiều quốc gia điêu đứng.
Thứ ba, tình trạng biến đổi khi hậu đã làm trái đất thay đổi quá lớn, nhiệt độ nóng lên, lũ lụt xảy ra trên phạm vi rộng và cường độ lớn hơn trước rất nhiều, hiện tượng tan băng và nước biển dâng cao có thể làm cho nhiều triệu ha đất ở khu vực ven biển bị chìm trong nước và kéo theo là hàng nhiều triệu người mất chỗ ở phải di chuyển đi nơi khác.
Thứ tư, quá trình vừa cạnh tranh, vừa hợp tác diễn ra đan xen và thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia, nhất là những quốc gia chậm phát triển, đang ở trình độ phát triển thấp. Hai vấn đề về chuỗi giá trị toàn cầu và hệ thống phân phối toàn cầu làm đảo lộn những quan niệm về phân công lao động quốc tế và lôi kéo con người vào cuộc trường chinh giành giật các giá trị mới.
Từ bối cảnh trong nước đòi hỏi đổi mới tư duy về nguồn lực và động lực phát triển
Nhìn chung, cho đến nay, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về nguồn lực và động lực. Hầu như chúng ta mới nói chung mà chưa hướng tới định lượng, không chỉ rõ chủ thể của nguồn lực cũng như của động lực phát triển.
Nhận thức và quan niệm về nguồn lực và động lực còn nhiều điểm chưa xác đáng và chưa hợp lý?
Về nguồn lực: Lâu nay không có gì tranh luận lớn, nhưng nhìn nhận về nguồn lực chưa nhất quán và thiếu cách nhìn định lượng; chưa quan tâm đúng mức đến việc tranh giành và độc quyền đối với một số nguồn lực nhờ danh nghĩa tổ chức nhà nước. Việc lãng phí nguồn lực cũng chưa được xem xét đúng mức...
Về động lực: từ nhận thức đến quan niệm còn có nhiều điểm khác nhau. Người ta cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là động lực hoặc cho thể chế kinh tế là động lực hoặc đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực... Rất nhiều băn khoăn về quan niệm như thế. Chúng tôi cho rằng, dù quan trọng thế nào thì giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cũng như đoàn kết toàn dân tộc hay thể chế kinh tế cũng chỉ là những giải pháp của phát triển. Nó có ý nghĩa như đường dẫn để làm xuất hiện hoặc gia tăng giá trị của các nguồn lực hoặc của các động lực. Bản thân chúng không phải là động lực phát triển kinh tế. Vấn đề này đúng, sai thế nào sắp tới phải làm rõ.
Thực tiễn khai thác và sử dụng nguồn lực và tạo dựng động lực ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề từ nhận thức đến phương cách tiếp cận mới
Đối với các nguồn lực
Các nguồn lực chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Chính sách đối với bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên chưa thoả đáng.
Trong khi Việt Nam thiếu điện, phải nhập từ Trung Quốc thì chúng ta xuất khẩu than sang Trung Quốc mà không dành để phát triển nhiệt điện.
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học nhưng những nguồn tài nguyên này chưa được nghiên cứu khai thác thoả đáng.
Việt Nam là quốc gia không nhiều đất nông nghiệp, nhưng tình trạng làm nhà xưởng chỉ có một tầng tràn lan khắp nơi, gây ra tình trạng tốn nhiều đất cho phát triển công nghiệp và dịch vụ. Trong khi quỹ đất để phát triển đô thị không nhiều, khó đến nỗi mà người ta đòi mở rộng Thủ đô Hà Nội, nhưng không có chủ trương xây dựng các nhà chung cư cao tầng một cách có kế hoạch hữu ích mà cứ để nhân dân tự xây dựng nhà ở cá nhân tràn lan, hoặc không có chủ trương bắt các doanh nghiệp phải xây dựng nhà cao tầng đối với những trường hợp có thể như các lĩnh vực sản xuất hàng điện tử, hàng may mặc...
Việt Nam đang rất thiếu nhân tài, nhưng có rất nhiều người đi học ở nước ngoài xong không về nước phục vụ và cống hiến. Nhiều người chạy ra khỏi cơ quan nhà nước, đi làm cho các công ty nước ngoài hoặc công ty trong nước có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Việc Việt Nam thu hút nhân tài từ nước ngoài không kèm theo cơ chế chính sách nên vẫn chỉ là ý tưởng.
Đối với các động lực
Thực tế trong những năm vừa qua chúng ta đã tạo ra những động lực gì? duy trì nó ra sao và phát huy nó thế nào? Thử nhìn lại xem: trong khi nền nông nghiệp của nước nhà đang rất khó khăn, tình trạng thiếu lương thực triền miên, đời sống của nông dân ở mức thấp thì chế độ khoán đến hộ nông dân bằng chủ trương khoán 10 đã làm thay đổi tương đối căn bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và đời sống của nông dân được cải thiện. Những năm gần đây, nhờ chủ trương tháo gỡ khó khăn và khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân phát triển, cho phép đảng viên làm kinh tế đã góp thêm phần làm cho sức sản xuất được giải phóng và có thể nói bùng nổ sự phát triển ở khắp nơi trong cả nước, làm cho nền kinh tế nước ta phát triển vượt bậc và kết quả là đời sống của nhân dân được nâng cao hơn trước rất nhiều. Tiềm lực kinh tế của đất nước được tăng cường đáng kể, vị thế quốc gia trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, nhân dân thực sự đã hào hứng lao vào cuộc chấn hưng đất nước. Gần đây, vì lợi ích kinh tế mang lại quá lớn và quá nhanh nên đã có biết bao nhiêu người “lao vào chứng khoán” và làm cho thị trường chứng khoán sôi động như các bạn đã biết. Hoặc đã có hàng nghìn người bỏ cơ quan nhà nước ra làm ăn ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoặc ở các công ty của Việt Nam. Tại sao vậy? Có phải họ hành động như thế là để có thu nhập cao hơn, được tôn trọng hơn? Như vậy, có thể nhận xét rằng lợi ích kinh tế là động lực thực sự. Một khi xã hội nhìn nhận đúng về lợi ích kinh tế và hình thành được tâm lý xã hội coi trọng, tôn trọng lợi ích kinh tế, lấy lợi ích kinh tế làm mục đích và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân thì họ sẽ ra sức làm việc, phát triển sản xuất. Trong xã hội Việt Nam, lợi ích kinh tế đã thực sự được xem là động lực. Song, với tư cách là động lực phát triển, lợi ích kinh tế chưa mang được tính xã hội như giá trị đích thực của nó. Các nhóm lợi ích đã rất biết sử dụng động lực này, nhưng những người thuộc nhóm yếu thế dường như vẫn là người bị động ăn theo, động lực lợi ích đối với họ còn ít ý nghĩa. Những năm gần đây, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu bằng việc đặt ra các giải thưởng và tôn vinh những doanh nhân giỏi trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nước ta hình thành phong trào thi đua yêu nước từ cấp trung ương tới cấp cơ sở. Sự coi trọng giá trị tinh thần như thế là bước đầu đã được chú trọng đối với một bộ phận công dân.
Bên cạnh đó, danh dự hoặc tinh thần dân tộc chưa trở thành động lực gì cả. Nếu người Nhật Bản coi doanh nghiệp mà tại đó, họ làm việc như là doanh nghiệp của họ, và họ coi việc làm thế nào để doanh nghiệp của họ trở thành số một trên thế giới là điều quan trọng nhất. Hoặc nếu người Thái Lan chào cờ quốc gia vào mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần thì có nhiều người nói với chúng tôi rằng, đối với người Việt Nam ta, tinh thần dân tộc chưa trở thành cái gì thiêng liêng như danh dự của mỗi con người trong quá trình chấn hưng đất nước. Phải chăng người dân chúng ta nói về lòng yêu nước chưa cụ thể và chưa thiết thực? Chưa biến tinh thần dân tộc thành sức mạnh tổng hợp dựng xây đất nước?
Kiến nghị đổi mới tư duy về nguồn lực và động lực trong thời kỳ phát triển tới
Từ những phân tích ở trên và với tinh thần đổi mới, chúng tôi cho rằng chúng ta cần có nhận thức mới theo chiều hướng thực tế, thiết thực hơn, kết hợp định tính với định lượng trong đánh giá nguồn lực và động lực phát triển; làm cho nguồn lực và động lực mang giá trị đúng của nó để phát triển đất nước nhanh, có chất lượng và bền vững. Cụ thể như sau:
Đối với nguồn lực
Những thứ được coi là nguồn lực phải là những thứ được sử dụng hoặc có khả năng sử dụng trong thời kỳ dự kiến phát triển. Tiềm năng chưa đưa được vào sử dụng hoặc chưa có khả năng đưa vào sử dụng thì chưa được xem là nguồn lực.
Các nguồn lực được xem xét dưới nhiều góc độ. Có nghĩa là dưới nhiều góc độ, người ta chia các nguồn lực thành các loại khác nhau để có thái độ đúng đắn và có cách ứng xử với chúng thích hợp. Với cách nhận thức như thế và trên quan điểm thiết thực, việc phân chia các nguồn lực được tiến hành theo hai cách chủ yếu:
Cách thứ nhất: người ta chia ra thành nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần.
Nhóm nguồn lực vật chất gồm có: tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên thuỷ điện, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, vị trí địa kinh tế...) và cơ sở vật chất kỹ thuật đã tạo dựng (nhà cửa, công trình công cộng, đường sá, hải cảng, sân bay, hệ thống sản xuất và truyền tải điện, hệ thống cung cấp và thoát nước, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống viễn thông và truyền thông...).
Nhóm nguồn lực con người (gắn với tài nguyên trí thức) và tài nguyên thông tin. Trí tuệ của con người có giá trị đặc biệt và không thể tự có được mà con người phải mất công, mất sức mới có. Muốn có trí tuệ, con người phải có thể lực và trí lực cùng hoàn cảnh thuận lợi. Đối với vấn đề xây dựng trí tuệ, việc giáo dục quan trọng như thế nào thì việc cải tạo nòi giống cũng quan trọng không kém. Trong lĩnh vực xây dựng nguồn lực con người, không thể xem nhẹ việc bồi dưỡng sức dân và thực hiện nhân đạo hiện đại đối với vấn đề sinh sản. Để có được nguồn thông tin chất lượng cao nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ cho người dân, nhà nước phải tiến hành xây dựng hệ thống thông tin thống nhất từ trung ương tới các địa phương. Có như thế mới khắc phục được tình trạng thiếu thông tin trầm trọng như hiện nay ở nước ta.
Cách thứ hai, căn cứ vào nguồn gốc của các nguồn lực để phân loại
Căn cứ vào nguồn gốc của nguồn lực, người ta chia chúng ra thành hai nhóm lớn: nguồn lực trong nước và nguồn lực ngoài nước. Nguồn lực trong nước bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Bằng cơ chế, chính sách, người ta tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là thu hút nhân tài. Thông qua cơ chế, chính sách, nhà nước và các doanh nghiệp có thể biến ngoại lực thành nội lực. Phần lớn các nguồn lực đều hữu hạn. Vì thế, việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực và dự trữ các nguồn lực trong điều kiện có thể là một trong những quốc sách quan trọng.
Đối với động lực
Đứng trên quan điểm phát triển, những thứ mang tính động cơ tạo ra lực lôi kéo và lực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống được xem là động lực phát triển. Động lực mang tính lịch sử. Chẳng hạn, ở thời kỳ này thì cái đó là động lực phát triển, nhưng ở thời kỳ khác thì nó không còn là động lực nữa. Qua phân tích thực tiễn và bằng những kiến thức lý luận có được, chúng tôi cho rằng, động lực tồn tại dưới hai hình thức: động lực vật chất và động lực tinh thần.
Động lực vật chất chính là mục tiêu hay mục đích kinh tế, là lợi ích kinh tế. Mục đích kinh tế, lợi ích kinh tế sinh ra động cơ của hành vi và tạo nên động lực phát triển. Đến đây, một vấn đề cần làm rõ là động lực phải cụ thể và có chủ thể. Tức là mục tiêu kinh tế, lợi ích kinh tế phải rõ ràng và cho từng chủ thể cụ thể. Động lực phải là của ai đó chứ không thể chung chung như lâu nay chúng ta chỉ nói theo kiểu đạo lý. Động lực của giới lãnh đạo khác với động lực của những người bị lãnh đạo và của những người thuộc tầng lớp yếu thế.
Động lực tinh thần có giá trị quan trọng. Động lực tinh thần thể hiện ở danh dự và thể diện quốc gia cũng như ở danh dự của các cá nhân, tổ chức. Nhiều người cựu chiến binh vì tự trọng danh dự của quân nhân đã thành lập doanh nghiệp và làm ăn rất thành đạt, hoặc những người trẻ tuổi vì thể diện của họ mà họ đã trưởng thành nhanh chóng và có thể thi thố được với doanh nhân của các nước có công nghiệp phát triển. Truyền thống văn hoá, tự tôn, tự hào dân tộc phải được nuôi dưỡng và phát huy đầy đủ; làm cho các giá trị văn hoá trở thành lực lượng vật chất thực sự cho quá trình phát triển của đất nước trên thực tế chứ không phải chỉ trên diễn đàn.
Với tinh thần đổi mới và với quan điểm duy vật biện chứng, chúng tôi nhận thấy rằng, con người vừa là nguồn lực quan trọng nhất lại vừa là động lực có sức mạnh nhất. Có con người chất lượng cao sẽ có thể có tất cả. Con người nghĩ ra cơ chế, chính sách, sáng tạo ra công nghệ hiện đại cũng như sáng tạo ra mọi giá trị cần thiết cho xã hội. Vì thế, nó là nguồn lực quan trọng nhất. Khi nói con người là động lực có sức mạnh nhất là vì, con người có nhu cầu rất đa dạng và rất lớn, lại tăng lên không ngừng, vì thế nó kích thích phát triển và chính điều đó thể hiện tính động lực to lớn của con người. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc mà các nhà hoạch định chính sách phát triển không thể xem thường.
Trong quá trình hoạch định chính sách phát triển, việc tìm ra các nguồn lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cũng như tạo ra các động lực đã khó, nhưng việc nuôi dưỡng, bồi bổ các nguồn lực cũng như tạo ra hiệu ứng cho các động lực còn khó hơn. Vì thế, để có được những cơ chế, chính sách tốt tạo ra các nguồn lực và động lực cho sự phát triển của đất nước thì những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ có kỹ năng nghề nghiệp cao, chuyên trách công việc nghiên cứu về vấn đề này.
Nguồn: PGS. TS. Ngô Doãn Vịnh - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển